bạn học Tống Phước Hiệp 1972
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 


Rechercher Advanced Search

Latest topics
» TIN BUỒN VĨNH LONG
Những bài báo về văn hoá EmptySat Sep 05, 2015 11:59 am by Admin

» TIẾNG HÁT BẢO YẾN
Những bài báo về văn hoá EmptySat Jun 28, 2014 12:08 pm by Admin

» Tous les garcons et les filles_ F.Hardy
Những bài báo về văn hoá EmptySun Jun 15, 2014 8:54 am by Admin

» TÌNH KHÚC NGUYỄN VĨNH TIẾN
Những bài báo về văn hoá EmptyThu Nov 07, 2013 9:45 pm by Admin

» TÌNH KHÚC PHÚ QUANG
Những bài báo về văn hoá EmptyWed Nov 06, 2013 9:04 pm by Admin

» 4. THƠ MAI TRUNG TĨNH
Những bài báo về văn hoá EmptyFri Oct 25, 2013 11:19 am by Admin

» 4. PHIM HÀN QUỐC: XUÂN HẠ THU ĐÔNG, RỒI XUÂN
Những bài báo về văn hoá EmptyTue Oct 15, 2013 11:15 am by Admin

» 3. RỪNG NA UY _ Đạo diễn : Trần Anh Hùng
Những bài báo về văn hoá EmptyTue Oct 15, 2013 11:02 am by Admin

» 2. ÁO LỤA HÀ ĐÔNG
Những bài báo về văn hoá EmptyTue Oct 15, 2013 11:00 am by Admin

Affiliates
free forum

Những bài báo về văn hoá

Go down

Những bài báo về văn hoá Empty Những bài báo về văn hoá

Bài gửi by Nguyen Van Chin Fri Sep 27, 2013 2:55 pm

Nếu cứu cánh là vị tha xin đừng cho “chọi” mãi !
(báo sửa lại : “Lại nói chuyện chữ nghĩa”)
                 Nguyễn Chí Anh
Một người nói, viết, hiểu và dùng từ sai chỉ là chuyện cá nhân hoặc có chút ảnh hưởng tới một ít người giao tiếp với người ấy. Các phương tiện truyền thông mà mắc các lỗi sai trên thì ảnh hưởng tới hàng triệu người (nhất là lớp người trẻ) và hơn nữa có thể làm hư, xấu tiếng Việt.
Gần đây trên các báo có nhiều bài về chủ đề nói, viết, tiếng Việt . Một lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng đã lên tiếng nêu rõ các chữ cái A, B, C… của ta đọc là a, bê, xê… còn các âm bơ, cờ… chỉ là để dùng dạy trẻ đánh vần ( hòan toàn không phải là tên gọi của các mẫu tự ). Như vậy là đã rõ ! Thế nhưng trên các đài phát thanh, truyền hình, các phát thanh viên vẫn thoải mái phát “o, rờ gờ” (cho org), “mờ, u” (cho MU), “gờ 8” (cho G8)… sao thế nhỉ ?! Lẽ nào sửa sai khó thế sao ? Cứ thế chẳng lẽ ta vẫn vô tư và “anh dũng” đọc các từ như giê em tê (GMT), giê đê bê (GDB), bê giê i (BGI)… là “gờ mờ tờ, gờ đờ bờ, bờ gờ i" sao? Kiểu này thì còn nói gì hội nhập ! Mà nói chi xa xôi, chỉ cần đọc bảng hiệu “M & toi” là “mờ và toi” thì cũng đủ cho những người chủ hiệu ấy phát khóc rồi vì bao dụng công chơi chữ đều … toi cả !
Đó là báo nói, còn báo viết thì sao ? Các phóng viên của ta cũng không ít người “sinh chữ”, hay đặt ra những từ mới tối nghĩa, dùng từ Hán Việt không cần thiết và không đúng cách. Ví dụ như thay vì viết “ít nhất” hay “ít ra” rất dễ hiểu thì khá nhiều người lại thích dùng “chí ít” (cũng may họ chưa “sáng tạo” chí nhiều để thay cho thậm chí ). Đề cập tới đồ mặc trong, tiếng Việt có sẵn từ “đồ lót” rất rõ ràng, đủ nghĩa, thuần Việt, nhiều người không dùng vẫn sính từ Hán Việt “nội y”. “Nội y” dịch thô nghĩa là “áo trong”. Mạn phép được hỏi các vị sính từ “nội y” : -“Vậy chớ cái … quần đâu rồi mà đồ lót giờ chỉ còn áo ?”.
Còn cách dùng từ Hán Việt lung tung kiểu như “nữ nhà báo”, “cựu tay vợt số 1”..v.v(thay vì “nhà báo nữ”, “tay vợt từng là số 1”) trên mặt báo, thì có thể nói là “bao la” chắc có lẽ chỉ còn thiếu “bạch con ngựa” nữa là đủ bộ sưu tập!
Rồi thì i ngắn y dài. Đã có người chơi “Chiếc nón kỳ diệu” mất thưởng vì đoán từ “bác sĩ” (trong khi đáp án là “bác sỹ”). Sao lại như thế nhỉ, khi viết “kẻ sĩ”, “sĩ phu” ngắn thì các sĩ khác như “bác sĩ”, “nghệ sĩ” cũng ngắn chứ, có lẽ nào các sĩ sau này lại đột nhiên lại dài ra ? Ngược lại từ nhỏ người viết bài này từng được thầy cô dạy (và giờ dạy lại học trò mình) “mỹ thuật”, “Vật lý”… viết như thế, nay lại được thấy “mĩ thuật”, “Vật lí”… không biết đúng không nhưng bỗng dưng thấy lạ!
Tuy nhiên i hay y chỉ là thói quen, có thể thống nhất bằng một quy định chung của cấp thẩm quyền cao nhất.
Điều hệ trọng nhất là việc hiểu và sử dụng từ đúng với khái niệm của từ. Đó đây trên đài, báo có những trường hợp dùng từ sai thật đáng tiếc và đáng trách !
Xin được kể : từ cứu cánh, một số người thích dùng để chỉ điều gì đó(hoặc ai đó, vật gì đó…) giúp mình thoát khỏi tình huống khó khăn (hoặc nguy hiểm, ngặt nghèo…). Những người này chắc “hiểu” một cách trực quan kiểu như: cứu là giúp, giải thoát ; cánh sẽ giúp bay lên… Trời ạ! Không phải đâu. Tra bất cứ từ điển Tiếng Việt nào ta sẽ dễ dàng thấy cứu cánh có nghĩa là mục đích sau cùng.
Từ khác cũng hay được dùng sai là vị tha. Nhiều người dùng vị tha để chỉ đức tính dễ tha thứ (rõ ràng họ đã “hiểu” tha là tha thứ). Thật ra đây là từ Hán Việt nghĩa rất rõ ràng là vì người khác ( vị là vì ; tha là người khác), một tính tốt trái ngược với vị kỷ là chỉ vì mình.
Mỗi năm cứ đến mùa thi là “tỷ lệ chọi” xuất hiện nhan nhản trên các phương tiện truyền thông. Tỷ lệ chọi là gì vậy ? Lấy số thí sinh trúng tuyển một ngành X của một trường Y nào đó chia cho số thí sinh dự thi vào chính ngành ấy, thí dụ 50/1000 bằng 1/20. Vậy tỷ lệ chọi của ngành X, trường Y là 1/20. Người viết bài này rất không đồng tình việc dùng từ chọi để chỉ tỷ lệ nói trên. Thường nghe “chọi gà”, “chọi trâu”, sao lại nỡ dùng từ chọi với các thí sinh !
Vả lại như thí dụ trên tỷ lệ chọi là 1/20 cũng không đúng bản chất sự việc. 1 chọi 20 – chẳng lẽ khi dự thi, thí sinh chỉ cần đấu (chọi) với 20 thí sinh khác ! Thật sự đâu phải vậy. Bài làm của thí sinh A chẳng hạn phải so với tất cả các bài làm khác, trường hợp đang thí dụ là 999 bài. Nếu vượt trội hơn tất cả, thí sinh A sẽ đỗ thủ khoa. Nếu hơn được 950 bài của 950 thí sinh khác thì A chỉ đỗ cuối bảng ! Nếu chỉ hơn từ 949 thí sinh trở xuống thì… hỏng kỳ thi đó.
Tỷ lệ 1/20 chỉ có nghĩa là bình quân trong 20 thí sinh dự thi thì sẽ có 1 thí sinh trúng tuyển, được chọn. Như vậy thay vì dùng “tỷ lệ chọi” vừa không đúng bản chất sự việc vừa thiếu tôn trong nhân cách thí sinh, chúng ta nên gọi đúng bản chất là “tỷ lệ trúng tuyển”, nếu thấy dài thì ta dùng “tỷ lệ chọn” vừa thể hiện đúng bản chất sự việc vừa tôn trọng thí sinh.
Vì vậy để kết thúc, người viết khẩn thiết đề nghị nếu cứu cánh của quý đài, báo là vị tha (rõ ràng là như vậy vì các phương tiện truyền thông là vì quần chúng mà) xin đừng cho các em thí sinh chọi mãi !

---------------------------------------------------------------------------
Nguyễn Văn Chín
Giảng viên trường Cao Đẳng Sư Phạm Vĩnh Long.
Địa chỉ : 154 Nguyễn Chí Thanh, P5 TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.
Mobile : 0918796660 email : chinphuongvl@gmai.com





                            ĐỂ BIẾT TÊN NĂM ÂM LỊCH
                                                  Nguyễn Chí Anh.

       Gần Tết, nhiều người hỏi nhau : Tết này là năm con gì, năm tới gọi là năm gì?... Ngày nay nhiều bạn trẻ còn chưa có khái niệm rõ ràng về dương lịch, âm lịch, khi nói về ngày tháng họ dùng từ “lịch trên” (để chỉ dương lịch), “lịch dưới” (âm lịch). Bài viết này xin mách các bạn (có lẽ cũng hữu ích với người Việt ở nước ngòai, do điều kiện sống không thường xuyên tiếp xúc với Âm lịch) một cách đơn giản để biết tên gọi của năm âm lịch từ năm dương lịch tương ứng.
Tên các năm âm lịch là sự kết hợp tên thập thiên can và thập nhị địa chi (10 can trời & 12 chi đất). Những tên này cần phải (và cũng dễ) thuộc lòng theo thứ tự như sau :
10 can: 1- Giáp,  2- Ất,  3- Bính,  4- Đinh,  5- Mậu,  6- Kỷ,  7- Canh, 8- Tân, 9- Nhâm, 10- Quý.
12 chi: (12 con giáp) : 1- Tý, 2- Sửu, 3- Dần, 4- Mão (Mẹo), 5- Thìn, 6- Tỵ, 7- Ngọ, 8- Mùi, 9- Thân, 10- Dậu, 11- Tuất, 12- Hợi.
Từ đó tên gọi các năm âm lịch sẽ bắt đầu (bắt đầu 1 Hoa giáp) bằng Giáp Tý kế đó Ất Sửu,v.v.. đến Quý Dậu. Tới đây hết 10 can thì trở lại can đầu, nên năm kế tiếp (thứ 11 trong Hoa giáp) là Giáp Tuất, rồi Át Hợi, hết 12 chi thì trở lại chi đầu và năm sau đó (thứ 13 trong Hoa giáp) sẽ là Bính Tý. Cứ như thế ghép tiếp tục cho đến Quý Hợi, tổng công các năm âm lịch chỉ có 60 tên gọi khác nhau.
Tới đây có thể có bạn sẽ kêu lên : nhưng tôi không thể nhớ hết 60 tên và vấn đề là làm thế nào biết, ví dụ năm 1975 hay năm 2011… gọi là gì theo âm lịch !
Vâng ! như đã nói ở trên chỉ cần nhớ 10 can & 12 chi theo thứ tự, là ta sẽ dễ dàng biết tên âm lịch của bất kỳ năm dương lịch nào theo cách đơn giản sau :
1/- Lấy năm dương lịch thí dụ là 2011 trừ 3 . 2011-3=2008.
Chữ số hàng đơn vị của hiệu vừa có được, chính là thứ tự tên can của năm âm lịch, trong thí dụ này là số 8 vậy tên can là Tân.
2/- Lấy hiệu số vừa có được ở trên chia cho 12. 2008 :12= 167 dư 4. Số dư của phép chia chính là thứ tự tên chi của năm âm lịch, tương ứng trong thí dụ này là số 4, vậy tên chi là Mão.
Vậy năm 2011 sắp tới đây gọi theo âm lịch là năm Tân Mão.
Trường hợp chữ số hàng đơn vị của hiệu tìm được nói trên là số 0 thì xem như tên can có thứ tự 10 tức là Quý.
Nếu hiệu số (của số năm dương lịch trừ 3) chia hết cho 12 tức không có số dư, trường hợp này số thứ tự của chi là 12 tức là Hợi.
Hy vọng với cách tính đơn giản trên đây, sẽ giúp các bạn, nhất là các bạn trẻ và các bạn ở nước ngoài dễ dàng tìm được tên gọi âm lịch của bất kỳ năm nào dù trong quá khứ hay ở tương lai.
Lưu ý vì số ngày tháng của năm âm lịch và năm dương lịch không hoàn toàn trùng nhau (lệch khoảng 1 tháng) nên đối với trên dưới 31 ngày của tháng 1 dương lịch theo cách tính trên sẽ thuộc về năm âl liền kề trước đó. Thí dụ : Mr C.Van.Nguyen sinh ngày 9/1/1954 có tuổi ta là Quý Tỵ chứ không phải là Giáp Ngọ như hầu hết những người sinh năm 1954.





             Không phản cảm, nếu…
                              Nguyễn Chí Anh

        Mục “Ống kính bạn đọc”  trên trang 6, Tuổi Trẻ số ngày 31/3/2011, bài “Phản cảm!”(có kèm ảnh cô gái  mặc áo pull in chữ trước ngực và cả… sau lưng) nêu và có ý chê trách một cô gái trẻ, nơi công cộng, mặc áo có in dòng chữ tiếng Anh mà tác giả HB đã dịch “nếu anh muốn yêu, chúng ta hãy… làm tình”.
        Vâng, quả là phản cảm nếu những dòng chữ trên áo có nghĩa đúng y như HB đã  dịch!
        Tuy nhiên chúng ta hãy bình tĩnh, có cái nhìn cởi mở hơn với lớp trẻ và đừng dịch tiếng Anh theo thói quen thử xem sao !
         Về dòng chữ liên quan, “if you want love” theo thói quen ta thường dễ dàng dịch là “nếu anh muốn yêu”, dịch thế có đúng trong mọi trường hợp không?
         Thật ra là không vì “you” có thể là số nhiều, có thể dịch là “các bạn”; từ “love” cuối câu là danh từ có thể dịch là “tình thương” hoặc “tình yêu” (nghĩa rộng không chỉ là tình yêu trai gái và không phải là động từ “yêu”).
         Như vậy dòng chữ trên hoàn toàn có thể được dịch là “nếu các bạn muốn tình yêu”.
         Rắc rối là dòng chữ sau lưng được chuyển sang tiếng Việt “chúng ta hãy… làm tình”, cách này tương tự như ta thường thấy trên các phương tiện truyền thông VN khi dịch các biểu ngữ phản đối chiến tranh bằng tiếng Anh (của người biểu tình ở nước ngoài) “ Don’t make war. Make love!” là “đừng gây chiến tranh, hãy làm tình”. Nguyên cớ là ở cụm từ “make love”, rõ ràng từng chữ là “làm tình”.
         Hỏi một bạn trẻ VN giỏi tiếng Anh (bạn từng học phổ thông và đại học ở một nước nói tiếng Anh, đang làm việc ở đó, biết tiếng Anh gần như người bản xứ) về cụm từ “make love”. Bạn trả lời : “dịch là làm tình cũng được, nhưng họ còn muốn chơi chữ vì make love còn có nghĩa là tạo ra, làm ra tình thương yêu”.
         Như vậy sẽ không hề phản cảm nếu chúng ta nghĩ rằng dòng chữ trước ngực và sau lưng áo của bạn gái trẻ kia là “nếu các bạn muốn tình yêu, chúng ta hãy … tạo ra tình yêu!!!”
         Với lòng yêu quý và tin tưởng các bạn trẻ, người viết bài này nghĩ rằng đa số bạn trẻ giỏi ngoại ngữ và họ luôn biết rằng mình đang mặc gì, muốn gì… có lẽ cái họ không biết là một số người lớn hơi chủ quan và nghiêm khắc quá với họ chăng ?!

            Nguyễn Văn Chín
        (Giảng viên CĐSP VLong)
Địa chỉ :154 Nguyễn Chí Thanh P.5 TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.
Mobile : 0918796660. email : chinphuongvl@gmail.com
Số tài khoản : 0102550398  Ngân hàng Đông Á.  DAB-CN Vĩnh Long
Nguyen Van Chin
Nguyen Van Chin
Admin

Tổng số bài gửi : 6
Join date : 11/08/2013
Age : 70

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết